TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN BÓNG ĐÁ HOÀNG GIA - Hotline: 090 264 1618

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Học bóng đá từ tuổi lên 3 - Trung Tâm Huấn Luyện Bóng Đá Hoàng Gia

TTCT - 5g chiều chủ nhật, trên sân bóng Đoàn thanh niên quận 7, TP.HCM, khoảng 15 cầu thủ nhí chỉ mới 3-5 tuổi chạy lẫm chẫm cùng quả bóng theo hướng dẫn của thầy cô, trong lúc các phụ huynh thích thú dõi theo con mình.
Nhưng chuyện đá bóng không chỉ có thế.
Thầy Kitaguchi Haruki đá bóng cùng trẻ em...- Ảnh: Quang Định
Đào tạo trẻ em chơi đá bóng và rèn luyện nhân cách ngay từ độ tuổi mầm non là điều mà anh Kitaguchi Haruki (29 tuổi), một HLV đến từ CLB bóng đá Amitie (Nhật Bản), đang thực hiện tại Việt Nam trong gần một năm nay.
Đá bóng để trưởng thành
“Teddy, vào sân đi con, bóng trúng người không đau lắm đâu, dũng cảm lên!” - Lê Hùng Vỹ, trợ giảng lớp học, đã mất gần 30 phút thuyết phục một cậu bé 5 tuổi chịu vào sân. Dạy bóng đá cho các em ở độ tuổi mầm non không dễ vì các em rất khó tập trung, chỉ cần nhìn thấy xe hơi chạy ngoài đường hay máy bay đi ngang là tất cả bỏ bóng, tròn xoe mắt nhìn theo.
“Con tôi vào đây học khi mới 3 tuổi, ở nhà cháu nhút nhát lắm nên lúc đầu chỉ chạy loanh quanh ngoài sân, không chịu vào chơi với các bạn. Giờ cháu đã tự tin, mạnh dạn hơn và nhất là rất lễ phép. Nghe tiếng cảm ơn của con mình, dù còn ngọng nghịu nhưng tôi rất xúc động” - chị Minh Thùy cho biết.
Sự thay đổi trên bắt đầu từ những bài học rất “Nhật Bản”. Trước khi bước vào giờ học, các em cúi thấp đầu chào thầy cô và cha mẹ, kể cả cha mẹ bạn của mình, sau đó bắt tay bạn thật chặt. Đổi lại thầy cô cũng sẽ chào các em, cảm ơn thật to ngay trên sân.
Vào giờ tập, thay vì dạy kỹ thuật đá bóng, bài học đầu tiên của thầy Kitaguchi là giúp các em biết cách xếp hàng để chờ đến lượt mình sút bóng, cách tự đứng lên mỗi khi té ngã, không khóc nhè đòi ba mẹ… Kết thúc giờ học, tất cả cùng tự xếp lại áo ngay ngắn và ngồi trò chuyện với thầy để xem điều gì mình tiến bộ và chưa làm được.
Nhờ bóng đá, các em trở nên tự tin hơn- Ảnh: Quang Định
Học bóng đá không hẳn để thành... cầu thủ
Dạy sáu ngày trong tuần, mỗi ngày ba lớp dành cho lứa tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, anh Kitaguchi luôn tươi tắn khi bước ra sân, giọng nói dõng dạc, thị phạm cho các em từng câu chào, cảm ơn, từng cái bắt tay. Anh chỉ nói bằng tiếng Nhật, bập bẹ chút tiếng Việt, nhưng bé nào cũng thích và làm theo răm rắp.
“Nếu chưa đau họng thì chưa đạt chuẩn là giáo viên bóng đá của Amitie”. Tiêu chí này buộc các phiên dịch viên, trợ giảng phải chạy đua theo cường độ âm thanh và sự sôi nổi của thầy để truyền cảm hứng cho từng học trò.
Amitie hiện có 172 em học viên và anh Kitaguchi nhớ tên, tính cách, hoàn cảnh gia đình từng em... “Làm phiên dịch với thầy trong thời gian dài, điều tôi ngưỡng mộ nhất ở thầy là lòng yêu trẻ. Thầy di chuyển liên tục trên sân, lúc nào cũng bừng bừng khí thế, pha trò, dạy các em từng chút một, từ cách sút bóng đến việc xếp áo sao cho ngay ngắn” - Thanh Tình, phiên dịch viên tại Amitie, vui vẻ chia sẻ.
... Và trao đổi ngay trên sân bóng - Ảnh: Quang Định
Tốt nghiệp ngành bóng đá ở Đại học Osaka, sau đó về dạy ở trường bóng đá trẻ em trực thuộc CLB Amitie tại Nhật trong tám năm, đến năm 2013 anh Kitaguchi dự định đi vòng quanh các nước Đông Nam Á để tìm môi trường phù hợp mở rộng mô hình. Tuy nhiên, vừa đến Việt Nam thì anh quyết định… đóng quân luôn ở đây vì “tôi nghĩ mình có thể đóng góp gì đó ở đất nước đang căng tràn sức sống này”.
Nghĩ là làm, bất chấp trở ngại ngôn ngữ, nhất là khi phải liên tục giảng bài trên sân bóng, anh Kitaguchi mở các lớp học trải nghiệm miễn phí và dần dần có đóng phí để trang trải kinh phí sân bãi, quần áo... Mức phí là 880.000 đồng/tháng, nhưng điều quan trọng là không em nào bỏ lớp.
Chị Cao Lê Dung Chi, giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM, phụ huynh em Cát Uy (4 tuổi), cho biết: “Hôm nào thấy lớp ít quá, tôi cứ sợ lớp đóng cửa thì con mình không có chỗ học. Vậy nên tôi luôn kêu gọi thêm nhiều phụ huynh khác cùng cho con đi học ở đây. Tôi rất hi vọng mô hình này có thể mở rộng ra ở nhiều trường mẫu giáo vì đây không chỉ là lớp học thể thao, mà còn dạy cách cư xử cho từng bé một cách rất thoải mái, tự nhiên”.
Chia sẻ thêm về điều này, anh Kitaguchi cũng rất tâm tư: “Ở Nhật chúng tôi học đá bóng không hẳn để sau này trở thành cầu thủ hay đam mê bóng đá cuồng nhiệt mà còn vì nhiều thứ khác, trong đó có thể lực và kỹ năng sống. Đó cũng là điều tôi muốn truyền đạt lại cho trẻ em ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc xin vào dạy ở các trường học vẫn còn rất khó khăn do các thủ tục hành chính với người nước ngoài, chúng tôi buộc phải tự xoay xở trước cho thật vững mạnh đã”.
Bắt đầu bằng tình yêu trẻ
Amitie tại Việt Nam chỉ có năm nhân viên. Trước đây, anh Kitaguchi nhiều lần có ý muốn tuyển chọn các cầu thủ về làm việc nhưng khi vừa “chạm ngõ” khối lượng công việc khổng lồ và nhất là những khó khăn khi làm việc với lứa tuổi mầm non, hầu hết đã bỏ cuộc.
Trợ giảng Lê Hùng Vỹ cho biết: “Trước đây tôi làm công việc kinh doanh nhưng rất mê bóng đá, lúc nào cũng ấp ủ ý định có thể mở được một nơi dạy trẻ em đá bóng với ý thức đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Tình cờ đọc được thông tin tuyển người của Amitie, tôi nghĩ cơ duyên đã đến nên quyết định nghỉ việc và về đây làm tới bây giờ”.
Còn phiên dịch viên Thanh Tình cho biết: “Lúc đầu ai cũng ngạc nhiên vì sao phiên dịch viên con gái mà lại chọn công việc suốt ngày phải chạy trên sân bóng. Nhưng vì tôi rất thích trẻ em, thích trò chuyện với các em nên mỗi lần ra sân, nhìn các em lớn dần lên sau mỗi buổi học, tôi thấy như mình đi chơi chứ không phải đi làm, không có gì mệt mỏi cả”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618