TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN BÓNG ĐÁ HOÀNG GIA - Hotline: 090 264 1618

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Giấc mơ U23 Việt Nam và tiếng “kêu cứu” từ Quảng Ngãi

Quảng Ngãi với lứa cầu thủ có triển vọng từng vào bán kết giải U.17 QG năm 2015.

Quảng Ngãi với lứa cầu thủ có triển vọng từng vào bán kết giải U.17 QG năm 2015.

Thành công của U23 Việt Nam cùng những hiệu ứng kéo theo khiến bóng đá Việt được phủ một vầng hào quang, lấp lánh tươi đẹp với những tín hiệu tích cực. Và ít người biết, ở một góc khuất đâu đó, bóng đá lại vẫn tồn tại những nghịch lý như là bi kịch của hiện thực phũ phàng, trong đó có lời “kêu cứu” của bóng đá Quảng Ngãi.

Có một giấc mơ Quảng Ngãi mang tên… U23 Việt Nam
Từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Hà Nội, TPHCM, từ FLC Thanh Hóa với những khoản thưởng “khủng” của người đứng đầu CLB dành cho những người con xứ Thanh đến Nghệ An, với các cầu thủ thuộc biên chế SLNA hay có gốc Hà Tĩnh, và cả CLB Hà Nội, Viettel, HAGL… cầu thủ U23 Việt Nam tất bật màn đón rước, tuyên dương và trao thưởng, tặng bằng khen của Sở VHTTDL, UBND tỉnh. Thậm chí, những địa phương không có bóng đá chuyên nghiệp, không tồn tại đội bóng như: Phú Thọ, Thái Bình, Hải Dương… cũng tổ chức chào mừng, khen thưởng những người con quê hương lập công trong màu áo quê hương.
Bất kể cái gì liên quan đến U23 Việt Nam đều được đẩy lên, quan tâm và trở thành tâm điểm. Thế nên giữa “cơn bão” vui mà thầy trò HLV Park Hang-seo tạo ra và đến thời điểm này, hơn 1 tuần sau ngày trở về từ Trung Quốc và những dư âm vẫn chưa hết, cầu thủ Quảng Ngãi bày tỏ ước mơ rất thật, có phần ảo vọng như thế này: “Nếu có một điều ước, tụi em chỉ ước giá như trong danh sách đăng ký đội U23 Việt Nam vừa lập chiến công ở VCK U23 Châu Á có một cầu thủ Quảng Ngãi, hoặc một cầu thủ có quê hương, là con em Quảng Ngãi. Bởi có thể nhờ thế, đội bóng sẽ nhận được sự quan tâm, được cứu để tiếp tục duy trì, phát triển…”.
Điều ước kỳ lạ đó, xuất phát từ nguy cơ thực tế rất đau lòng: Đội bóng hạng Ba Quảng Ngãi, sau khi bất ngờ giành vé lên hạng cuối thì nhiều khả năng phải xin rút khi giải hạng Nhì 2018 chuẩn bị khởi tranh. Lý do là tỉnh không có chủ trương nuôi đội bóng để định hướng lên chuyên nghiệp, bóng đá không có nguồn kinh phí để hoạt động kể cả đá hạng Nhì. Chỉ khoảng hơn 2 tỉ đồng, thế nhưng Quảng Ngãi không có, nên nhiều khả năng giải tán.
Quảng Ngãi vẫn luyện tập trong thấp thỏm hy vọng. Một số gương mặt có triển vọng xin đi thử việc, tập nhờ tuyến trẻ các đội khác còn hơn chục cầu thủ vẫn bám trụ. Do đều là quân trẻ nên không có lương, chỉ nhận phụ cấp tiền ăn để duy trì và Quảng Ngãi vẫn đang chờ “lệnh”.
Khát vọng sống ở “vùng đất trắng”
Sau cú sốc bị giáng hạng ở giải hạng Nhất 2009 do bỏ dở giữa chừng trận đấu với Ninh Bình vì phản ứng trọng tài, Quảng Ngãi giải tán đội bóng. Nhà tài trợ Sách Thành Nghĩa chia tay, đến năm 2010 Bêtông Phadin tài trợ cho đội đá hạng Ba và lên hạng Nhì mùa 2010. Thế nhưng 2 năm sau đó, họ trả lại Sở VHTTDL. Lại xóa đi làm lại, Trung tâm huấn luyện và thi đấu bắt đầu từ lứa U15 để gây dựng. Thành quả đầu tiên xuất hiện năm 2015, khi Quảng Ngãi xin đăng cai vòng loại giải U.17 QG và cùng Khánh Hòa giành 2 vé dự VCK.
Ở giải U17 tổ chức tại sân Thống Nhất đó, U17 Quảng Ngãi là hiện tượng rất thú vị, vào đến bán kết và nhận Huy chương Đồng do thua U17 PVF - đội bóng vô địch tuyệt đối và một vài gương mặt nổi bật của lứa này từng lên tập trung U.19 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn như Tiến Dụng, Trọng Hóa, Văn Thuận…
Lứa cầu thủ đào tạo từ nhỏ, có triển vọng đó được duy trì với hy vọng có thể gây dựng để một ngày trở lại giống như cách Khánh Hòa đã làm thành công. Và dù không vượt qua được vòng loại giải U19 tại Nha Trang năm 2016, Quảng Ngãi với lứa cầu thủ 18-19 tuổi lại gây bất ngờ tại giải hạng Ba năm 2017, khi cùng với đội trẻ Nam Định và Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Long lên hạng. Thế nhưng niềm vui chẳng kéo dài bao lâu thì đội lại đứng trước nguy cơ giải tán, do không có cơ chế và kinh phí đá hạng Nhì.
Theo kế hoạch, hạng Nhì 2018 sẽ bắt đầu vào tháng 2.2108 với 16 đội tham dự. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì ít nhất 3 đội bóng là Viettel, PVF và Cà Mau vì các lý do khác nhau đã xin rút. Còn 13 đội và với thể thức chia 2 bảng đá vòng tròn lượt đi - lượt về chọn 4 đội vào VCK đá lên hạng Nhất, dự kiến kinh phí cho một đội hạng Nhì như Quảng Ngãi chỉ khoảng 2 tỉ đồng nếu biết gói ghém. Vậy nhưng không có tiền từ ngân sách tỉnh và không thể huy động các nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp trong tỉnh nên khả năng Quảng Ngãi cũng rút.
U23 Việt Nam thành công với hiệu ứng cùng tác động lan tỏa sâu rộng được hy vọng sẽ mở ra một trang mới cho BĐVN. Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai xa với vô vàn vấn đề không hề đơn giản. Còn gần gũi và thiết thực nhất, có lẽ thầy trò HLV Park Hang-seo không biết, ở tận Quảng Ngãi có một đội bóng hạng Nhì “vùng sâu, vùng xa” đang ước mơ với hiệu ứng mang tên U23 Việt Nam, bóng đá sẽ được “cứu” và được sống…
Nếu Quảng Ngãi rút rồi lại giải tán đội bóng, một lứa cầu thủ mới 19-20 tuổi có triển vọng được nuôi ăn, tập từ nhỏ sẽ “ra đường”. Và một lần nữa, mầm xanh với khát vọng mang tên bóng đá ở mảnh đất này lại “chết yểu”.
Trao đổi với Lao Động về thông tin Quảng Ngãi không có kinh phí tham dự giải nên có thể rút khỏi giải hạng Nhì sau khi giành vé lên hạng và có nguy cơ giải thể, ông Đinh Xuân Tiên - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi (phụ trách mảng thể thao) báo bận họp và chỉ ngắn gọn: “Chúng tôi vẫn đang phải chờ chủ trương và quyết định của tỉnh nên không thể nói gì”.
NGUỒN: BÁO LAO ĐỘNG

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618